Ở cữ có phải luôn nằm trên giường? Có rất nhiều phụ nữ sau sinh cả tháng ăn uống hay sinh hoạt cũng không rời khỏi giường. Quan điểm chú ý nghỉ ngơi là cần thiết và hoàn toàn không sai, nhưng hoạt động một cách thích hợp cũng không kém phần quan trọng trong quá trình hồi phục cho mẹ.
Lợi ích của việc vận động sau sinh
Phụ nữ sau sinh chưa nên vận động với cường độ nặng nhưng quan tâm đến những vận động thích hợp lại là điều rất cần thiết vì những lợi ích đã được xác định:
- Giảm tỷ lệ đau lưng
- Giúp tăng thêm tâm lý hăng hái và vui sống
- Giảm stress
- Cải thiện khí chất
- Khắc phục tình trạng táo bón, bí đái
- Phục hồi sức mạnh cơ bắp và cải thiện trạng thái tim mạch
- Làm cho cơ bụng trở lại săn chắc
- Giúp phòng ngừa và phục hồi sớm trạng thái trầm cảm, tránh nguy cơ bị viêm tắc tĩnh mạch sâu, nghẽn tắc mạch phổi
- Rút ngắn thời gian phục hồi sau sinh
- Ngăn ngừa các biến chứng sau khi sinh con, giúp tử cung co hồi tốt, sản dịch sớm được tống xuất hết ra ngoài, hạn chế những cơn đau lưng. Nếu có cắt may tầng sinh môn hoặc phẫu thuật, thì việc vận động sớm cũng giúp mau hết đau và tránh dính ruột… Ngoài ra, luyện tập còn giúp săn chắc các cơ sau khi bị giãn vì sinh nở và hỗ trợ tinh thần của sản phụ tốt hơn.
Hướng dẫn vận động cho sản phụ sau sinh
Đối với đẻ thường
Trong trường hợp mẹ đẻ tự nhiên, sau hai tháng sinh nở là đã có thể bắt đầu tập thể dục để lấy lại vóc dáng. Ban đầu mẹ chỉ nên tập những động tác đơn giản nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe và sức chịu đựng của bản thân. Tiếp đến những ngày sau khi đã hồi phục hoàn toàn, mẹ có thể tăng dần cường độ tập tùy theo khả năng chịu đựng của bản thân
Đối với đẻ mổ
Ngày đầu tiên sau sinh mổ, sản phụ hãy tự chủ động xoay trở trên giường, co duỗi chân tay và có thể ngồi dậy trên giường, trừ những trường hợp có chỉ định đặc biệt từ bác sĩ. Sang ngày thứ hai, sản phụ ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng trong phòng với sự hỗ trợ của người thân. Ngày thứ ba sau sinh mổ, lúc này sản phụ tự đi lại nhẹ nhàng trong phòng và ngoài hành lang mà không cần sự trợ giúp. Từ ngày thứ 4 trở đi, sản phụ có thể vận động và ăn uống bình thường, trừ những trường hợp có chỉ định đặc biệt của bác sĩ chuyên khoa.
Trong khoảng 6 tuần đầu sau sinh mổ, mẹ có thể tham khảo thêm những bài tập nhẹ nhàng kết hợp với việc đi bộ để giúp da săn chắc lại.
Sau thời gian đẻ mổ khoảng 4 tháng là thời điểm sản phụ mới được bắt đầu tập thể dục. Điều này phụ thuộc vào thể trạng cá nhân từng mẹ cũng như độ phục hồi của vết mổ. Những động tác căng cơ bụng ban đầu sẽ có ảnh hưởng tới vết mổ. Thời gian tập luyện mỗi ngày chỉ nên dao động từ 10-20 phút và lưu ý chỉ nên tập những động tác vừa phải và phù hợp với bản thân.
Thời gian tập luyện phù hợp cho mẹ sau sinh
Sản phụ sinh thường có thể bắt đầu bài tập trong vòng một giờ sau sinh nếu thấy đủ sức. Còn đối với sản phụ sinh mổ lấy thai, vận động nên bắt đầu trong vòng 12 giờ sau nếu không có chống chỉ định.
Những bài tập thở hoặc co, duỗi chân khi đang nghỉ ngơi trên giường sẽ không tiêu tốn quá nhiều sức lực của mẹ. Chúng góp phần ngăn ngừa các bệnh lý về hô hấp và tuần hoàn. Các bà mẹ có thể trở lại các hoạt động như bơi lội, đi xe đạp khoảng 6 tuần sau khi sinh. Những môn thể thao mạnh như thể dục nhịp điệu, bóng rổ, cầu lông… có thể tập lại sau 3 tháng.
Với phần lớn phụ nữ khỏe mạnh thì sau đẻ nên tập thể dục ít nhất 150 phút/tuần với mức độ vừa phải (đi bộ nhanh) nhưng có thể chia thời gian tập ra mỗi ngày, từ 10 – 20 phút.
Vận động có làm ảnh hưởng đến việc cho con bú
Vận động thể chất cường độ cao có thể gây tích tụ lactic acid ở sữa làm cho sữa có vị chua mà trẻ có thể không thích. Nếu cho con bú thì có thể phòng ngừa sự cố tiềm ẩn này bằng cách vận động vừa phải và uống nhiều nước trong và sau khi vận động.
Nếu như vận động với cường độ nặng hơn ngay trong những tháng đầu tiên cho con bú thì nên cho bú trước hay vắt sữa vào bình để cho trẻ bú trước khi vận động. Sau 4 – 5 tháng cho bú thì vận động thể chất ít có tác động đến sữa mẹ vì phần lớn sữa mẹ được tiết ra vào lúc cho bú.
Sau khi sinh, dù là sinh mổ hay sinh thường, mẹ nên cho con bú ngay càng sớm càng tốt vì lúc này sữa non có chứa nhiều dinh dưỡng nhất, chứa nhiều chất đề kháng nhất cung cấp các chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và tăng cường miễn dịch cho trẻ. Để tránh ảnh hưởng của vết mổ hay vết rạch tầng sinh môn, các mẹ nên nhờ người thân trong gia đình trợ giúp để đỡ bé ở tư thế thoải mái nhất cho cả hai mẹ con.
Nói tóm lại, việc vận động sau sinh không tác động xấu đến lượng hay thành phần sữa mẹ cũng như không ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ đang bú mẹ.
Một số bài tập phù hợp cho các mẹ
Nằm ngửa, gập đầu gối và đặt bàn chân trên sàn. Nằm ngửa và ngồi dậy rất tốt để giúp bụng nhỏ lại nhanh. Cũng có thể đặt bàn chân lên ghế tựa, cẳng chân vuông góc với cổ chân. Đặt hai tay sau gáy, hít vào từ từ, nhấc đầu và vai lên khỏi mặt sàn trong khi co các cơ bụng. Tự nâng mình lên tới mức tối đa rồi lại nằm xuống. Lặp lại động tác nhiều lần và tăng dần theo thời gian.
Để luyện tập nhóm cơ ở bụng dưới, nằm ngửa, hai cẳng chân gấp nhưng bàn chân để sát mông. Hít vào trong khi nâng từ từ hông và tiểu khung để mông nâng lên khỏi mặt sàn. Thở ra và từ từ hạ mông. Tập nhiều lần theo khả năng.
Bài tập Kegel – Tăng sức mạnh cho nhóm cơ sàn chậu và thuận lợi cho các cơ kiểm soát tiểu tiện. Thực hiện bài tập như sau: Co thắt các cơ âm đạo giống như khi đang đi tiểu thì dừng lại. Giữ yên 5-10 giây mỗi lần co thắt, làm động tác co thắt như vậy từ 10-20 lần và 3 -5 lần mỗi ngày. Có thể làm động tác này bất cứ lúc nào, ở đâu và không ai nhìn thấy.vào lúc cho bú.
Những lưu ý quan trọng khi vận động sau sinh
Vận động sau sinh rất quan trọng trong quá trình phục hồi của sản phụ. Việc nằm lì tại chỗ, không chịu vận động có thể dẫn đến tình trạng dính ruột, viêm tắc tĩnh mạch, nhu động ruột chậm hồi phục dẫn tới tiêu hóa kém, táo bón. Bởi vậy các mẹ đừng ngại đau đớn mà nên tập ngồi dậy và đi lại, đồng thời cử động tay chân linh hoạt. Chăm chỉ luyện tập sẽ giúp cơ thể sản phụ nhanh hồi phục và khỏe mạnh trở lại.
Một số lưu ý dành cho mẹ như sau:
- Khởi động kĩ càng
- Tránh tập quá sức đến mức mỏi mệt
- Uống nhiều nước
- Mang áo nâng ngực.
- Khi vận động cần cảm thấy dễ chịu và tăng cảm giác vui sống
- Không bị đau hay chảy máu khi vận động. Nếu thấy ra máu sau buổi tập, nên nghỉ vài ngày rồi tập lại ở mức độ nhẹ hơn.
- Nếu cảm thấy chóng mặt, muốn ngất xỉu, khó thở, trống ngực, khó bước đi, nhìn mờ thì cần ngưng tập ngay và gặp bác sĩ.