Dấu hiệu áp xe vú sau sinh

Áp xe tuyến vú là hậu quả của viêm tuyến vú không được điều trị kịp thời, thường gặp ở phụ nữ đang cho con bú. Áp xe vú sau sinh là một loại nhiễm trùng nguy hiểm khi bầu vú phụ nữ tích tụ mủ dẫn đến tình trạng sưng viêm, tấy đỏ gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng sữa cho con bú, thậm chí có thể tiến triển ung thư vú.

1. Tìm hiểu về áp xe vú sau sinh
Áp xe vú là tình trạng viêm sưng, nóng, đỏ, đau do tình trạng tích tụ mủ trong vú do vi khuẩn gây ra. Thường gặp nhất là tụ cầu, liên cầu và một số vi khuẩn khác như: trực khuẩn, phế cầu, vi khuẩn kị khí…

Ổ áp xe vú có thể hình thành ở trước tuyến, trong tuyến, sau tuyến. Tiến triển một ổ áp xe thường trải qua ba giai đoạn: viêm, tạo thành áp xe, hoại tử. Vì vậy nếu thấy dấu hiệu của áp xe vú sau sinh cần phải đi khám ngay để tránh biến chứng nặng nề.

Áp xe vú là tình trạng mưng mủ do vi khuẩn
Áp xe vú là tình trạng tích tụ mủ trong vú do vi khuẩn

2. Tại sao sau sinh dễ bị áp xe vú?
Nguyên nhân hay gặp nhất của áp xe vú sau sinh là tắc tia sữa. Ngoài ra có thể gặp các nguyên nhân khác như suy giảm hệ miễn dịch, nứt núm vú, trầy xước vú. Khi đó vi khuẩn sẽ xâm nhập trực tiếp từ da vào tuyến vú, qua các ống dẫn sữa… gây viêm và hình thành ổ áp xe.

Tắc tia sữa dẫn đến áp xe vú sau sinh vì:

Sữa được tạo ra ở nang sữa sau đó theo các ống dẫn sữa đổ về xoang chứa sữa , dưới tác dụng kích thích của động tác bú mút của trẻ, sữa sẽ chảy ra ngoài. Trên dòng chảy vì lý do nào đó mà lòng ống dẫn sữa bị hẹp bít lại thường do chèn ép từ ngoài vào hay bít tắc trong lòng ống, sữa sẽ không thể thoát ra ngoài được, sau đó sẽ dần tạo thành hòn cục. Khi đó sữa vẫn tiếp tục được tạo ra, làm cho các ống dẫn sữa trước chỗ tắc ngày càng bị căng giãn. Hiện tượng này gây chèn ép các ống dẫn sữa khác, tạo ra một vòng xoắn bệnh lý, làm tình trạng tắc sữa ngày càng nặng thêm dẫn đến viêm tuyến vú, viêm tuyến vú không được điều trị sẽ dẫn đến tình trạng áp xe tuyến vú.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân sau đây gây áp xe vú sau khi sinh ở nhiều bà mẹ như: không day đều bầu sữa để thông tia sữa ngay sau khi sinh, không vắt bỏ sữa dư thừa khi trẻ bú không hết gây ứ đọng sữa, không vệ sinh lau rửa đầu vú sạch trước và sau khi bú…

3. Những trường hợp có nguy cơ mắc áp xe vú cao
Phụ nữ sau sinh cho con bú: Sữa mẹ có thể gây nứt núm vú hoặc răng của bé cắn vào núm vú… tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào vú.
Phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ, nuôi con mà bị ốm đau, ăn uống thiếu chất, thức đêm nhiều, lao động vất vả mà ít được nghỉ ngơi… khiến sữa bị ứ đọng trong tuyến vú dễ gây áp xe vú.
Tắc tia sữa: Phụ nữ đang cho con bú không thực hiện thông tia sữa sau sinh, không vắt bỏ sữa thừa khi con bú khiến sữa bị tắc, không thể thoát ra ngoài dẫn đến tình trạng sữa đông kết, chèn ép các ống dẫn sữa khác hình thành các ổ áp xe ở vú.
Phụ nữ trong thời kỳ cho con bú có nguy cơ mắc áp xe vú cao
Phụ nữ trong thời kỳ cho con bú có nguy cơ mắc áp xe vú cao
4. Dấu hiệu áp xe vú sau sinh
Cảm giác đau nhức sâu bên trong tuyến vú: Áp xe vú là tình trạng trong vú có nang chứa dịch mủ và các mô bị viêm. Vì vậy khi bị áp xe vú, bạn không thể tránh khỏi cảm giác đau nhức sâu bên trong tuyến vú. Cảm giác đau sẽ tăng dần lên khi dùng tay ấn vào vùng áp xe, cử động vai, cánh tay.
Vú sưng và căng to: Vú sưng và căng cứng hơn bình thường. Tình trạng sưng và căng ngực ngày càng trở lên nghiêm trọng hơn.
Khi bị áp xe, dùng tay sờ nắn có thể thấy các cục cứng bên trong vú: Triệu chứng điển hình của áp xe vú ở phụ nữ đang cho con bú, đó là khi dùng tay sờ nắn ngực, mọi người có thể cảm nhận được một hoặc nhiều cục cứng bên trong vú. Tại vị trí những cục cứng này sẽ cảm thấy đau nhức và sưng đỏ.
Đau buốt khi cho con bú: Nếu phụ nữ đang cho con bú gặp phải tình trạng viêm tuyến vú, tắc tia sữa hay áp xe tuyến vú, bạn sẽ cảm thấy đau buốt mỗi khi cho con bú.
Da ngực nóng và sưng đỏ: Nếu khối áp xe vú không nằm ở sâu bên trong vú, bạn sẽ cảm thấy da ngực ở phần bị áp xe trở nên sưng tấy, có màu đỏ hoặc màu vàng nhạt, thậm chí là hoại tử, khi dùng tay sờ sẽ cảm thấy nóng.
Sốt, có cảm giác ớn lạnh: Có thể chỉ sốt nhẹ khoảng 38 độ hay sốt cao lên đến 39 – 40 độ, tùy từng tình trạng viêm nhiễm ở vú. Khi bị sốt, người mẹ thường cảm thấy ớn lạnh và rùng mình.
Biến chứng – hoại tử: Biến chứng nặng nề nhất của áp xe vú là hoại tử vú với các biểu hiện nhiễm khuẩn nặng nề như: tụt huyết áp, cơ thể mệt mỏi, vú căng to, sưng phù, da trên ổ áp xe vàng nhạt, hạch bạch huyết sưng, có thể vỡ ổ áp xe chảy mủ hôi.
5. Phòng bệnh áp xe vú sau sinh
Giữ gìn vệ sinh tốt vùng vú và núm vú trước và sau khi cho con bú, tránh làm trầy xước, rạn nứt đầu núm vú khi cho con bú.
Tập cho trẻ bú no, bú hết từng bên vú, nếu trẻ bú chưa hết thì vắt sữa ra, tránh ứ đọng sữa, tắc sữa dễ bị áp xe.
Tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tránh thức khuya, lao động vừa sức.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

0972829838