Trẻ nhỏ thường cho những vật nhỏ vào miệng. Điều này có thể khiến trẻ bị mắc nghẹn ở cổ gây cản trở khí quản, dẫn đến nghẹt thở. Nếu không được sơ cứu kịp thời, trẻ có thể bất tỉnh và tử vong. Vì vậy, việc tìm hiểu về các phương pháp sơ cứu khi trẻ mắc nghẹn ở cổ là điều rất cần thiết.
Cách xác định khi nào một đứa trẻ bắt đầu bị nghẹn ở cổ
Có một vài dấu hiệu giúp bạn xác định khi nào trẻ mắc nghẹn ở cổ:
- Trẻ bắt đầu ho hoặc nôn mửa. Ho là cách để loại bỏ dị vật khi dị vật đó cản trở đường hô hấp, trong khi nôn mửa là cách phản xạ của thanh quản khi có vật lạ. Những phản ứng này được xem là tự nhiên, giúp làm sạch cổ họng của trẻ mà không gây ra vấn đề gì cũng như không cần phải dùng quá nhiều kỹ năng.
- Trẻ bắt đầu thở hổn hển. Khi trẻ ngừng ho, la hét hay ngừng tạo ra âm thanh, điều đó có nghĩa là đường hô hấp đang có dị vật.
- Da của trẻ chuyển sang màu đỏ hơi xanh hoặc đỏ tươi, không thể hít vào, sùi nước bọt. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy trẻ đang bị ngạt thở. Trong một số trường hợp, trẻ có thể rơi vào trạng thái mất ý thức.
Để giúp trẻ, bạn cần phải bình tĩnh, gọi ngay xe cứu thương, đồng thời thực hiện một số phương pháp sơ cứu trong thời gian chờ bác sĩ đến.
Lưu ý: Đừng cố dùng tay móc dị vật ra khỏi cổ họng của trẻ bởi sẽ khiến bạn vô tình đẩy dị vật đi sâu vào bên trong.
Đối với trẻ dưới 1 tuổi
Ở giai đoạn này, trẻ thường bị mắc nghẹn ở cổ hoặc bị trào ngược dạ dày. Trường hợp dễ thấy nhất là khi trẻ rất đói và ăn quá nhanh hay có thể là do sữa mẹ quá nhiều, trẻ uống không kịp. Hoặc cũng có thể là do thức ăn chưa được nghiền đủ nhuyễn và còn nhiều miếng lớn. Một số phương pháp sơ cứu có thể hữu ích trong trường hợp này:
- Đặt bé nằm sấp trên cánh tay, nghiêng đầu trẻ cho mặt hướng xuống dưới. Vỗ 5 lần vào lưng phía gần vai của trẻ để di chuyển vật bị kẹt ra khỏi miệng.
- Đặt bé nằm ngửa, đầu hướng xuống dưới. Nhấn ngón giữa và ngón trỏ vào giữa ức 5 lần.
Đối với trẻ trên 1 tuổi
Đối với những trẻ lớn, bạn cần phải thực hiện các biện pháp sơ cứu nhanh như:
- Dùng tay đỡ trẻ ngả người về phía trước. Vỗ liên tục vào giữa 2 bả vai, đồng thời nhấn nhanh và mạnh khoảng 5 lần.
- Xoay người đứa trẻ hướng lưng vào ngực bạn, quỳ gối ngang tầm đứa trẻ, vòng hai tay ra phía trước ngực trẻ, nắm tay thành nấm đấm, tay này đặt lên tay kia rồi tiến hành ấn mạnh khoảng 5 lần vào điểm vị trí giữa sườn và rốn, theo hướng từ dưới lên. Thực hiện cho đến khi vật mắc ở cổ họng trẻ thoát ra ngoài.
- Nếu trẻ nằm, bạn hãy để bé nằm ngửa, ngồi xuống ngang với phần đầu của trẻ, đặt hai tay lên hông của trẻ và tiến hành ấn mạnh ở phía dưới ngực, chuyển động theo hướng trượt về phía đầu. Lặp lại liên tục cho đến khi dị vật ra khỏi họng.
Nếu bạn đã áp dụng những phương pháp trên mà hơi thở của trẻ không hồi phục hoặc trẻ bị mất ý thức sau khi đã loại bỏ dị vật thì cần phải tiến hành hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim gián tiếp. Hãy nhớ rằng các kỹ thuật sơ cứu này sẽ khác với trẻ sơ sinh và khác với kỹ thuật sơ cứu ở người lớn.
Làm thế nào hạn chế tình trạng trẻ bị mắc nghẹn ở cổ?
Để hạn chế nguy cơ nghẹt thở ở trẻ nhỏ, bạn cần:
- Theo dõi trẻ thường xuyên và không để trẻ cho những vật có kích thước nhỏ vào miệng.
- Đừng để trẻ chơi những loại đồ chơi có mảnh ghép nhỏ.
- Cho trẻ ăn các loại trái cây không hạt.
- Xay thật kỹ thức ăn nếu trẻ còn quá nhỏ và mới ăn giặm.
- Dạy trẻ không nên cười và nói chuyện khi ăn.
- Dạy trẻ không cho nhiều thức ăn vào miệng cùng một lúc.
- Đừng cho trẻ ăn và uống khi đi bộ hoặc chạy xe.
- Nếu trẻ đang ăn, đừng đùa giỡn hoặc làm mất sự chú ý của trẻ.
- Hãy chắc chắn rằng trẻ không ngậm nắp bút khi đang học.
Mặc dù bạn không thể loại bỏ hết những nguy cơ gây nghẹn cho trẻ nhưng nếu bạn làm theo những cách trên, bạn sẽ bảo vệ con hiệu quả hơn.