Cho con bú sớm, thường xuyên uống đủ nước, giảm căng thẳng… là các biện pháp có thể giúp người mẹ tăng khả năng tiết sữa cho con bú.
Theo Mayo Clinic (Mỹ), hầu hết phụ nữ tạo ra nhiều hơn 1/3 lượng sữa mà trẻ cần. Nhu cầu của mỗi bé khác nhau, phần lớn trẻ sơ sinh cần 8-12 cữ bú trong 24 tiếng, một số có thể nhiều hơn. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhiều mẹ không đủ sữa cung cấp cho con. Dưới đây là 8 biện pháp giúp các bà mẹ tăng cường khả năng tiết sữa cho con bú.
Cho con bú sớm
Các chuyên gia khuyến nghị nên cho trẻ bú trong vòng một tiếng đầu tiên sau sinh. Đây là điều quan trọng trong việc tạo ra nguồn cung cấp sữa đầy đủ, lâu dài. Trẻ cũng được kết nối da kề da với mẹ và có thể nhận được sữa non giàu kháng thể và các thành phần miễn dịch.
Cho con bú thường xuyên
Càng cho bé bú nhiều, cơ thể mẹ càng tạo ra nhiều sữa. Khi bé bú, các hormone kích thích vú sản xuất sữa sẽ tiết ra. Đó là phản xạ xuống sữa, xảy ra khi các cơ trong vú co lại và di chuyển sữa qua các ống dẫn sữa, ngay sau khi trẻ bắt đầu bú mẹ. Cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ 8-12 lần một ngày có thể giúp thiết lập và duy trì sản xuất sữa.
Một số trẻ sơ sinh cần được mẹ dỗ dành để bú thường xuyên. Nếu bé có vẻ buồn ngủ nhiều hoặc không tiết phân thường xuyên (trẻ sơ sinh thường đi tiêu 3-4 lần mỗi ngày khi được 4 ngày tuổi), thử khuyến khích trẻ bằng cách tiếp xúc da kề da và cho bú thường xuyên.
Hút sữa giữa các lần cho ăn
Thường xuyên hút sữa giữa các cữ bú cũng có thể giúp mẹ tăng tiết sữa. Việc làm trống bầu ngực có thể kích thích cơ thể phụ nữ sản xuất sữa. Làm ấm ngực trước khi hút có thể khiến người mẹ thoải mái hơn và hút dễ dàng hơn. Xoa bóp vú nhẹ nhàng bằng tay cũng giúp tạo ra nhiều sữa hơn.
Cho con bú cả hai bên
Cho bé bú cả hai bên trong mỗi lần ăn. Mẹ nên để bé bú một bên cho đến khi chậm lại hoặc ngừng bú trước khi cho bé bú bên thứ hai. Kích thích cả hai bên vú khi cho con bú có thể tăng sản xuất sữa. Việc hút sữa từ cả hai vú cùng một lúc cũng được chứng minh là cách làm tăng sản lượng sữa và khiến hàm lượng chất béo trong sữa cao hơn.
Uống đủ nước
Uống nhiều nước trong giai đoạn cho con bú để giữ đủ nước cho cơ thể, cung cấp đủ chất lỏng để tăng khả năng sản xuất sữa và tránh bị mệt mỏi, táo bón. Muốn có đủ lượng nước phù hợp để duy trì quá trình hydrate hóa, người mẹ cần uống nước khi khát và sau đó uống thêm một chút, vì khát nước không phải là dấu hiệu thông báo lượng nước mà cơ thể thực sự cần. Ngoài ra, mẹ nên tập thói quen mang theo một chai nước khi ra ngoài và uống ít nhất 236 ml nước mỗi khi cho con bú.
Giảm căng thẳng
Nếu muốn tăng lượng sữa, các mẹ cần cố gắng giảm thiểu sự xao nhãng càng nhiều càng tốt. Người thân hoặc chồng nên hỗ trợ phụ nữ làm việc nhà để họ có thể dành thời gian tập trung cho con bú. Lo lắng, căng thẳng và thậm chí xấu hổ có thể cản trở phản xạ xuống sữa và khiến người mẹ tiết ít sữa. Tạo một môi trường riêng tư và thư giãn, không căng thẳng khi cho con bú có thể giúp tăng sản xuất sữa mẹ.
Bổ sung thực phẩm chứa galactagogues
Những lợi ích được biết đến của galactagogues còn hạn chế, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng nó có thể tác động tích cực đến tâm lý và tăng khả năng sản xuất sữa.
Theo Tổ chức Nuôi con bằng sữa mẹ Canada, có một số loại thực phẩm và thảo mộc có thể làm tăng sản xuất sữa mẹ gồm: tỏi, gừng, cỏ cari, thì là, men bia, cỏ linh lăng, tảo xoắn. Tuy nhiên, chị em nên hỏi bác sĩ trước khi sử dụng chất bổ sung trong giai đoạn cho con bú, bởi vì ngay cả các biện pháp tự nhiên cũng có thể gây ra tác dụng phụ.
Tránh uống rượu và sử dụng thuốc cẩn thận
Uống rượu và hút thuốc mức độ từ trung bình đến nặng có thể làm giảm khả năng sản xuất sữa của người mẹ. Bên cạnh đó, các loại thuốc chứa pseudoephedrine, chẳng hạn như thuốc trị viêm xoang và dị ứng, thuốc kiểm soát sản sinh nội tiết tố có thể làm giảm khả năng tiết sữa mẹ. Một số bệnh như huyết áp cao do mang thai, tiểu đường, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) cũng có thể cản trở việc sản xuất sữa của người mẹ.